HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG “CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CHO PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI” CỦA KHOA TCNH

Sự kiện
Ngày 10/07/2023, Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công chương trình Hội thảo khoa học cấp trường với chủ đề “Chính sách tài chính cho phát triển doanh nghiệp: Lý luận và thực tiễn tại Việt Nam trong bối cảnh mới” qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự Hội thảo, về phía các chuyên gia và các diễn giả có: Ông Trần Việt Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (VCBS); TS Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích - Công ty cổ phần Chứng khoán VPS; Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc phát triển thị trường - Khối Giáo dục - ICAEW; Mr Jeff Zhang - Chief Research Officer (Giám đốc nghiên cứu) - Kirin Capital; PGS, TS Đào Hoàng Tuấn - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Chính sách và Phát triển; PGS, TS Lê Thị Kim Nhung - Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Thương mại; TS Kim Mạnh Tuấn - Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học; PGS, TS Nguyễn Việt Dũng - Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng (TCNH); PGS, TS Phan Trần Trung Dũng - Phó Trưởng Khoa (TCNH); Trưởng/ Phó một số đơn vị trong Trường; các giảng viên và sinh viên Nhà trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ đã gửi lời cảm ơn các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các giảng viên và các em sinh viên đã quan tâm và dành thời gian đến tham dự buổi hội thảo. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ bày tỏ hy vọng Khoa Tài chính - ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và chuyển giao tri thức, cũng như đề xuất, giải pháp, khuyến nghị phù hợp cho chính sách phát triển của Nhà nước, hoặc các tổ chức doanh nghiệp liên quan.
Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên 1 được điều phối bởi PGS, TS Nguyễn Việt Dũng - Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng và PGS, TS Phan Trần Trung Dũng - Phó Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng. Tại phiên đầu tiên, Hội thảo lắng nghe lần lượt 2 tham luận: “Rà soát vướng mắc và khuyến nghị phát triển thị trường vốn” do PGS, TS Đào Hoàng Tuấn trình bày và “Rise of Machine: The impact of Automated lending” do TS Nguyễn Quang Hiếu trình bày.
Phiên 2 của Hội thảo có sự tham gia điều phối của TS Nguyễn Phúc Hiền - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng và PGS, TS Kim Hương Trang - Giảng viên Bộ môn Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Ngân hàng. Tại phiên này, 03 tham luận đã được trình bày gồm: Tham luận “An analysis of the factors impacting transformational leadership competencies: a case study of a Vietnam security firm” của TS Kim Mạnh Tuấn; Tham luận “From inefficiency to inefficiency, a study on the transformation of public equity research reports quality in Vietnam” của ThS Vũ Văn Đức và tham luận “The impacts of monetary policy on commercial bank’s risk tolerance in the Vietnamese market” của TS Phạm Ngọc Anh.
Phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi dưới sự điều phối của chủ tọa các phiên. Các nhà khoa học, các diễn giả cùng các đại biểu tham gia Hội thảo đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chính sách tài chính và những vấn đề đặt ra. Từ đó, những gợi mở, những ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn và có tính khả thi cao trong việc giải quyết những vấn đề tồn đọng trong thị trường tài chính, và ngành tài chính - ngân hàng ở Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu đưa ra và thống nhất.
Tổng kết Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Việt Dũng tóm tắt các nội dung chính của Hội thảo, đồng thời khẳng định đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến hữu ích cả về lý thuyết và thực tiễn về các vấn đề rất mới liên quan tới chủ đề của buổi hội thảo. Ban tổ chức rất hy vọng những vấn đề đã được trình bày, cùng những nghiên cứu được đăng trên kỷ yếu sẽ cung cấp cho các học giả, nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên cùng các chuyên gia những góc nhìn về lý luận và thực tiễn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của ngành tài chính - ngân hàng trong những năm gần đây.