NỢ XẤU ĐƯỢC BÁN ONLINE TẠI TRUNG QUỐC

Góc tài chính

Ngoài giày thể thao, tã, thức ăn cho vật nuôi, Taobao - website thương mại điện tử lớn nhất nước này còn bán cả nợ xấu.

 


Với giá 4,15 triệu NDT (610.000 USD), người dùng đã có thể đấu giá mua nợ của một hãng thép Chiết Giang. Công ty này không thể trả khoản nợ 9,95 triệu NDT, cả gốc lẫn lãi. Vì thế, hãng quản lý tài sản China Cinda Asset Management đã quyết định mang nó lên Taobao đấu giá.
Đây không phải khoản nợ xấu duy nhất được rao bán tại đây. Theo Bloomberg, mỗi ngày, khoảng hơn 1 tỷ NDT tài sản dạng này được rao lên Taobao. Thị trường thương mại điện tử tại Trung Quốc đang giúp nước này giải quyết một rào cản lớn trong quá trình phát triển kinh tế - nợ xấu. Tăng trưởng chậm và vỡ nợ doanh nghiệp tăng đang khiến nợ xấu của Trung Quốc tăng cao, lên 1.600 tỷ NDT, tính đến cuối tháng 3.
China Cinda Asset Management là một trong những công ty xử lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc. Tháng trước, họ đã hợp tác với Alibaba, lập ra một mục đặc biệt trên Taobao để đấu giá các tài sản xấu. Dù Alibaba không cung cấp số liệu thực tế, các mục niêm yết trên này cũng cho thấy thị trường nợ xấu Trung Quốc đang được quan tâm đến thế nào.
Sau Taobao, hơn 50 website khác đã quảng cáo dịch vụ tương tự với các ngân hàng và công ty bán nợ xấu khác tại Trung Quốc, PwC cho biết. Hơn 20 tổ chức tài chính đã được ghi nhận là đối tác trên nền tảng đấu giá nợ xấu của Taobao, như Ping An Bank, China Minsheng Banking hay China Citic Bank.
Thương mại điện tử giúp nhiều nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận thị trường này hơn. Tuy nhiên, các website như Taobao cũng hấp dẫn nhiều người không đủ kỹ năng cần thiết để thực hiện giao dịch về nợ xấu.